Hỗ trợ trực tuyến
Những năm cuối đời của trùm khủng bố bin Laden
Tài liệu Mỹ thu được từ cuộc đột kích khu nhà bin Laden ẩn náu khắc họa tên trùm khủng bố những năm cuối đời, là một người lo lắng cho gia
Trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: Pbs |
Để gia nhập al-Qaeda vào thời Osama bin Laden, các chiến binh tương lai phải trải qua hành trình gian khổ và nguy hiểm đến hang ổ của nhóm trong miền núi tây bắc Pakistan.
Sau đó, họ phải điền vào một mẫu đơn. Ba trang câu hỏi thể hiện al-Qaeda tự coi nhóm là một mạng lưới những chiến binh tận tụy và kỷ luật, nhưng cũng đi kèm những đòi hỏi đáng sợ. Một câu hỏi trong số đó là: "Anh có muốn thực hiện tấn công tự sát không?" và "Chúng tôi cần liên hệ với ai trong trường hợp anh tử vì đạo?".
Mẫu đơn này nằm trong số hơn 100 tài liệu được công khai ngày hôm qua, bao gồm sách, mẩu báo, thư từ thu giữ được từ khu nhà của bin Laden trong cuộc đột kích tháng 5/2011 ở Pakistan.
Những tài liệu này cung cấp cái nhìn sâu nhất về những năm cuối đời của bin Laden. Ông ta nhiều lần thư từ qua lại với tay sai để tìm cách chỉ đạo mạng lưới khủng bố dường như đã phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của chính mình. Bin Laden cũng đọc nhiều sách từ tài liệu lịch sử chính thống, tình hình thế giới cho đến thuyết âm mưu.
"Giá sách" của bin Laden
Danh sách các cuốn sách được tìm thấy trong khu nhà của bin Laden là điều thu hút được nhiều sự chú ý từ công chúng Mỹ. Một vài trong số đó là những cuốn quen thuộc với bất cứ ai quan tâm đến tình hình quốc tế, chẳng hạn như Obama’s Wars (Chiến tranh của Obama) của Bob Woodward; The Rise and Fall of the Great Powers (Sự thăng trầm của các cường quốc) của Paul Kennedy; và Imperial Hubris (Sự kiêu ngạo tối thượng) của Michael Scheuer, cựu quan chức CIA từng chuyên theo dõi Bin Laden.
Bin Laden còn đọc những cuốn sách về thuyết âm mưu như Bloodlines of the Illuminati (Huyết thống của Illuminati) của Fritz Springmeier; The Secrets of the Federal Reserve (Những bí mật của Cục Dự trữ Liên bang) của Eustace Mullins, một người cho rằng nạn diệt chủng Holocaust trong Thế chiến II không xảy ra. Ngoài ra, bin Laden còn lưu giữ tạp chí tiếng Anh và các bài báo về al-Qaeda.
Quan tâm đến gia đình
Bin Laden có 4 người vợ và 20 con. Ông ta nhiều lần trao đổi thư từ với người vợ có tên Khairiah và con trai của hai người, Hamza. Hai mẹ con bị quản thúc ở Iran từ năm 2001.
Hamza từng gửi một lá thư cho bin Laden năm 2009, nói về việc anh ta không gặp cha kể từ khi 13 tuổi, 8 năm trước đó. "Trái tim con buồn rầu vì thời gian chúng ta xa cách quá lâu, con khát khao được gặp cha. Đôi mắt con vẫn còn nhớ lần cuối cùng chúng ta gặp nhau. Cha đứng dưới cây ô liu và trao cho chúng con hạt cầu nguyện Hồi giáo".
Năm 2010, Iran bắt đầu thả các thành viên gia đình bin Laden sống ở nước này. Bin Laden đã dành nhiều giờ viết thư cho họ và các tay sai trong al Qaeda, hỏi về cách tốt nhất ông ta có thể đoàn tụ với họ.
Bin Laden lo sợ rằng Iran, những người ông ta cho là "không thể tin được", có thể đã cài thiết bị theo dõi điện tử vào đồ đạc hoặc thậm chí lên cơ thể người nhà khi họ rời Iran. Ông nói với Khairiah rằng nếu bà ấy từng đi khám một "nha sĩ chính thức" ở Iran để hàn răng thì phải bỏ nó đi trước khi gặp ông ta. Bin Laden lo ngại rằng thiết bị theo dõi đã được cài vào trong răng.
Các quan chức tình báo Mỹ có giả thuyết rằng bin Laden muốn chuẩn bị cho Hamza để "nối ngôi" cầm đầu al-Qaeda, tin rằng tuổi đời còn trẻ của con trai ông sẽ tiếp thêm sinh khí cho tổ chức. Nhưng rốt cuộc, Hamza không đến được nơi ẩn náu của cha mình ở Abbottabad. Khi đặc nhiệm SEAL đột kích khu nhà bin Laden ẩn náu ở Pakistan, họ không tìm thấy anh ta. Quan chức tình báo Mỹ nói rằng họ không biết Hamza hiện đang ở đâu.
Bin Laden dường như luôn nghĩ ngợi về điều gì sẽ xảy ra sau khi ông ta chết. Trong một lá thư viết cho một trong những người vợ, bin Laden nói rằng nếu ông ta qua đời mà vợ muốn tái hôn thì "Tôi không phản đối".
"Nhưng bà phải nuôi con của tôi cẩn thận và chú ý đến chúng, đề phòng chúng kết giao với kẻ xấu", ông ta viết trong lá thư ngày 15/8/2008. Nếu bà tái hôn thì vào Ngày phán xét, bà sẽ phải chọn một người chồng để chung sống trong cõi vĩnh hằng, bin Laden viết. "Tôi thực sự muốn bà lại là vợ tôi trên thiên đường".
Một video Mỹ tịch thu trong vụ đột kích có cảnh bin Laden ngồi xem tivi. Ảnh: AP |
Ám ảnh với việc tấn công Mỹ
Hầu hết văn bản Mỹ thu được là thư từ giữa Bin Laden và các tay sai, hoặc bài viết của những kẻ trung thành khác. Các tài liệu chứa những thông tin chưa từng được biết về al-Qaeda, chẳng hạn như những nhà tài trợ tài chính cho nhóm ở Taliban đã phản đối cuộc tấn công ngày 11/9 và vụ đánh bom tàu khu trục Cole ở Yemen năm 2000.
Trong một tài liệu, bin Laden viết rằng những tên không tặc thực hiện vụ khủng bố 11/9 "không phải là những quái nhân hiếm có trong lịch sử, mà là những người tiên phong ủng hộ cho phong trào jihad. Có hàng triệu người anh em mong muốn đi theo con đường tương tự".
Một tài liệu tìm thấy trong khu nhà của bin Laden có tiêu đề Hệ thống khủng bố - Những sát thủ không thể khuất phục nhắc nhiều đến Mỹ và Israel, với những mơ tưởng về việc sử dụng chất độc như xyanua và ricin để tấn công mục tiêu phương Tây.
Trong một lá thư viết cho các tay chân, ông ta viết: "9 tháng nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 10 năm cuộc tấn công thiêng liêng vào New York và Washington. Các anh phải hiểu được tầm quan trọng của ngày này và lợi dụng truyền thông để khuếch trương sự chiến thắng của người Hồi giáo, truyền đạt những gì chúng ta muốn nói với mọi người". Thế nhưng, cuộc đột kích của đặc nhiệm SEAL đã kết liễu mạng bin Laden trước khi hắn kịp đón ngày kỷ niệm này.
Dưới sự tác động của tên trùm khủng bố, al-Qaeda tìm đến các lãnh đạo của Taliban ở Pakistan, những người giữ liên lạc với tình báo Pakistan (ISI) để xem liệu họ có thể đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ. Mục đích là để al-Qaeda có thể "rảnh tay", tập trung vào việc tấn công các mục tiêu Mỹ.
"Tập trung vào việc tấn công trên đất Mỹ và các vùng lợi ích của Washington ở ngoài lãnh thổ, đặc biệt là các nước có nhiều dầu, để khuấy động dư luận và buộc Mỹ phải rút khỏi Afghanistan và Iraq", theo bản dịch tóm tắt thư của một kẻ thân cận với bin Laden gọi là Atiyyah.
Tuy nhiên, tên cầm đầu al Qaeda dẫn đầu nỗ lực này nói với Bin Laden: "Như ngài biết đấy, đây mới chỉ là nói mồm thôi!", và cuộc đàm phán dường như không đạt được kết quả mong đợi.
Cho đến tận cuối đời, bin Laden vẫn bị ám ảnh với mong muốn tấn công Mỹ. Trong một lá thư, ông ta kêu gọi các chiến binh jihad ở Bắc Phi dừng việc "tập trung thành lập một nhà nước Hồi giáo", thay vào đó, hãy tấn công đại sứ quán Mỹ ở Sierra Leone và Togo cùng các công ty dầu khí Mỹ. Bin Laden cũng đưa ra lời khuyên tương tự với chi nhánh al Qaeda ở Yemen, kêu gọi nhánh này tránh tấn công cảnh sát và quân đội và mà tấn công vào các mục tiêu Mỹ.
Nhà nước Hồi giáo tất nhiên không tồn tại vào thời điểm bin Laden viết điều này. Tiền thân là al-Qaeda ở Iraq nhưng IS đi theo một con đường khác. Nhóm không ưu tiên việc tấn công Mỹ và công dân nước này, mà thay vào đó, nhóm dồn sức chiếm đóng lãnh thổ ở Trung Đông với mong muốn thành lập một nhà nước rộng lớn.
Nhà báo điều tra danh tiếng Seymour Hersh hôm 11/5 đưa ra bài viết cho rằng Pakistan đã quản thúc bin Laden trong 5 năm trước khi Mỹ tiến hành cuộc đột kích. Theo chuyên gia an ninh quốc gia của CNN Peter Bergen thì không có bằng chứng trong các tài liệu mới công bố chỉ ra rằng Pakistan biết bin Laden đang sống ở nước này vào thời điểm đó.
NY Times cũng cho rằng các tài liệu vừa được công bố cho thấy bin Laden nhúng tay rất sâu vào hoạt động hàng ngày của al-Qaeda, ngay cả trong những năm cuối đời. Điều này trái ngược với bài viết của Hersh, cho rằng Bin Laden không có nhiều cơ hội để chỉ huy và kiểm soát nhóm cực đoan từ sau năm 2006. Tuy nhiên, các nhà quan sát không thể đưa ra được kết luận ai đúng ai sai, vì Hersh cho rằng Washington đã làm giả các tài liệu thu được từ cuộc đột kích.
Khu nhà ở Abbottabad, Pakistan, nơi bin Laden ẩn náu trong những năm cuối đời. Ảnh: AFP |
Phương Vũ (Theo CNN/ NY Times)
Tag :
Các bài đăng khác
- Ông lão dùng tủ nhựa Composite trồng dưa lạ thu tiền tỉ
- Container rơi xuống đường vì đại lộ hiện đại nhất TP HCM lún
- Thủ phạm gài mìn trong gói quà ngất xỉu tại phiên tòa
- Phi cơ Mỹ trinh sát ở Trường Sa như thế nào
- 16 cẩu tháp nguy hiểm bị buộc tháo dỡ ở Hà Nội
- Việt Nam xác minh các tàu cá bị Indonesia đánh chìm
- Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc ngăn cản